Dị ứng thuốc tê tùy mức độ nhẹ hay nặng mà có những triệu chứng biểu hiện khác nhau. Nếu dị ứng nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cơ thể, bởi vậy cần nhận biết sớm dấu hiệu và điều trị đúng cách. Cùng tìm hiểu thêm về tình trạng này qua bài viết sau của Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Maia&Maia.
I. Tìm hiểu về thuốc gây tê
Thuốc gây tê là loại thuốc được dùng để gây tê, làm mất cảm giác đau ở một vùng cơ thể. Tác dụng chính của thuốc tê đó là ức chế dẫn truyền thần kinh ngoại biên tới não làm mất đi cảm giác đau, tuy nhiên không gây mất ý thức. Thuốc tê được dùng trong thủ thuật điều trị nha khoa, thẩm mỹ, tiểu phẩu ngoài da hoặc gây tê trong phẫu thuật sản khóa, chỉnh hình,…
Hiện nay có những nhóm thuốc gây tê phổ biến như sau:
- Nhóm Ester: Thời gian tác dụng ngắn, dễ bị cholinesterase trong huyết tương phân hủy, dễ gây phản ứng dị ứng hơn do tạo chất chuyển hóa là PABA. Một số thuốc tê nhóm Ester phổ biến đó là Procain, Tetracain, Benzocain,…
- Nhóm Amide: Độ bền cao trong cơ thể, chuyển hóa chủ yếu ở gan. Nhóm thuốc tê này cũng ít gây dị ứng so với Ester với thời gian tác dụng dài. Những thuốc tê nhóm Amide phổ biến đó là Lidocain, Bupivacain, Ropivacaine,…
- Nhóm thuốc khác: Fomocain (dùng gây tê mạnh, thời gian dài, dùng gây tê bề mặt), Ethyl Clorid (dạng xịt, gây tê lạnh, giảm đau tạm thời)
II. Dị ứng thuốc tê là tình trạng như thế nào?
Đây là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch cơ thể khi nhận diện thuốc gây tê hoặc một thành phần nào đó trong thuốc là chất có hại và tạo ra phản ứng phản vệ. Nguyên nhân chính gây dị ứng thuốc tê là do miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức với thuốc qua các cơ chế sau:
- Phản ứng miễn dịch qua trung gian IgE: Đây là dạng dị ứng phổ biến nhất khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên sẽ sản sinh kháng thể IgE và kích hoạt histamin dẫn đến các triệu chứng dị ứng.
- Phản ứng với tá dược: Ở một số trường hợp, các chất phụ gia như Methylparaben và Metabisulfit trong thuốc tê dễ gây phản ứng dị ứng trên da ở những người có cơ địa dị ứng hoặc hen. Thậm chí có thể làm nặng tình trạng bệnh nền.
- Dị ứng chéo: Nếu mọi người từng bị dị ứng với các nhóm thuốc có cấu trúc hóa học tương tự thuốc tê thì khả năng rất lớn cũng bị dị ứng với thuốc tê.
Ngoài các nguyên nhân trên, những đối tượng có nguy cơ cao dị ứng với thuốc tê cần cẩn trọng gồm người có tiền sử dị ứng với thuốc; người từng bị hen phế quản; viêm da mũi dị ứng, mề đay mãn tính; trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ có thai.
III. Dấu hiệu nhận biết dị ứng với thuốc gây tê
Dị ứng thuốc tế gây ra rất nhiều những triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng mà mọi người cần nhận biết sớm. Dưới đây là những dấu hiệu chính nhận biết dị ứng thuốc tê:
- Dấu hiệu tại chỗ: Ngứa, nổi mẩn, phát ban, phù hôi, sưng mí mắt, hồi hộp nhẹ và khó chịu tại vùng tiêm.
- Dấu hiệu toàn thân: Khó thở, thở khò khè, tụt huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu, mất ý thức, sốc phản vệ nguy hiểm tới tính mạng nếu không xử lý kịp thời.
TÌM HIỂU THÊM: Dị ứng thuốc tê bôi ngoài da có biểu hiện gì?
IV. Phân biệt dị ứng thuốc tê với các tình trạng khác
Dị ứng thuốc tê có một số triệu chứng dễ nhầm lẫn với các tình trạng ngộ độc thuốc tê hay tác dụng phụ của thuốc tê. Dưới đây là cách phân biết những tình trạng này để có hướng xử lý đúng cách:
Yếu tố | Dị ứng thuốc tê | Ngộ độc thuốc tê | Tác dụng của phụ thuốc tê |
Nguyên nhân | Do hệ miễn dịch phản ứng quá mức với thuốc tê | Do nồng độ thuốc tê trong máu quá cao, tiêm thuốc tê vào mạch máu | Những phản ứng không mong muốn khi dùng thuốc tê nhưng được dự đoán trước bởi đây là dược lý của thuốc |
Triệu chứng chính | Nổi mề đay, phát ban, mẩn ngứa, phù môi, khó thở, sốc phản vệ | Co giật, run rẩy, chóng mặt, ù tai, rối loại nhịp tim | Tim đập nhanh, hồi hộp, chóng mặt nhẹ, buồn nôn, nôn |
Thời gian xảy ra | Ngay sau khi tiêm thuốc tê vài phút | Có thể xảy ra nhanh hoặc chậm tùy vào liều tiêm | Thường xảy ra sau một thời gian ngắn sau khi gây tê |
Tần suất | Hiếm gặp | Tùy thuộc vào kỹ thuật tiêm, liều lượng, loại thuốc và tình trạng bệnh nhân | Phổ biến hơn |
V. Bị dị ứng thuốc tê có nguy hiểm không?
Dị ứng với thuốc tê được xem là một tình trạng nguy hiểm đe dọa tới tính mạng. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc vào phản ứng của cơ thể:
- Phản ứng nhẹ: Các phản ứng nhẹ như ngứa, phát ban,… tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng gây khó chịu cho người bệnh và làm gián đoạn thủ thuật y tế
- Phản ứng nghiêm trọng: Các phản ứng nghiêm trọng hơn gây khó thở, sưng đường hô hấp, trụy tim, thậm chí sốc phản vệ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời
VI. Cách chẩn đoán tình trạng dị ứng với thuốc tê
Bên cạnh việc khám lâm sàng thì test dị ứng thuốc tê là rất cần thiết để chẩn đoán tình trạng dị ứng, từ đó có hướng phòng ngừa và điều trị đúng cách. Dưới đây là 2 cách kiểm tra dị ứng thuốc tê phổ biến hiện nay:
- Test lẩy da: Xác định phản ứng da với chất dị ứng cụ thể trong thuốc tê bằng cách để da tiếp xúc với chất đó. Bác sĩ nhỏ giọt dung dịch thuốc tê lên trên da, dùng kim lẩy châm nhẹ để thuốc tê thấm vào da. Sau đó theo dõi phản ứng trên da trong 15 – 20 phút để đưa ra chẩn đoán.
- Test áp bì: Bác sĩ dùng miếng dán chứa chất gây dị ứng trong thuốc tê dán lên da lưng bệnh nhân. Sau đó miếng dán sẽ được giữ trong vòng 48 – 96 giờ để theo dõi phản ứng trên da. Nếu có triệu chứng dị ứng như mẩn đỏ, sưng ngứa sẽ đưa ra được kết luận dị ứng.
VII. Dị ứng với thuốc tê phải làm sao?
Khi có dấu hiệu bị dị ứng thuốc tê trong quá trình làm các thủ thuật y tế, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nhẹ hay nặng, sau đó đưa ra quyết định ngừng dùng thuốc tê. Đồng thời, bác sĩ cũng theo dõi triệu chứng dị ứng và chỉ định dùng loại thuốc tê khác như Lidocain hoặc không dùng thuốc tê nếu có thể.
Trường hợp nguy kịch, dị ứng thuốc tê nặng gây sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp đột ngột sẽ được tiến hành cấp cứu theo phác đồ bao gồm tiêm Epinephrine, hỗ trợ hô hấp hoặc truyền dịch tĩnh mạch để ổn định huyết áp.
VIII. Cách phòng ngừa dị ứng với thuốc gây tê
Phòng ngừa dị ứng thuốc tê là rất cần thiết để tránh những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe khi cần thiết dùng thuốc tê trong thẩm mỹ, nha khoa, phẫu thuật. Dưới đây là gợi ý phòng ngừa mọi người không nên bỏ qua:
- Luôn khai báo tiền sử dị ứng cho bác sĩ: Thông báo cho bác sĩ về tình trạng bệnh lý dị ứng, dị ứng thực phẩm, tiền sử gia đình, thuốc gây tê dị ứng trước khi dùng thuốc tê.
- Chỉ gây tê ở cơ sở y tế uy tín: Những cơ sở y tế, thẩm mỹ uy tín luôn có đủ dụng cụ, thuốc, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao cấp cứu kịp thời nếu mọi người bị dị ứng thuốc tê.
- Không tự ý dùng thuốc tê: Nếu không có chuyên môn, tránh tự tiêm tê để ngừa nguy cơ dị ứng
- Kiểm tra thuốc tê: Trước khi dùng thuốc tê cần kiểm tra thành phần, chất lượng, hạn dùng của thuốc tê. Nếu cần nên test trước trên da để kiểm tra phản ứng
- Nhận biết triệu chứng dị ứng: Mọi người cần nhận biết sớm các triệu chứng dị ứng trên da và cơ thể để thông báo kịp thời cho bác sĩ.
- Theo dõi phản ứng sau tiêm tê: Sau khi tiêm tê nếu có dấu hiệu bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ kịp thời.
- Lựa chọn thuốc tê thay thế: Một số trường hợp bác sĩ sẽ chọn lựa những loại thuốc tê ít gây dị ứng để an toàn cho cơ thể. Ngoài ra nên ưu tiên dùng thuốc gây tê tại chỗ thay vì gây tê toàn thân.
- Chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu: Với những người có cơ địa dị ứng nên luôn mang theo mình thuốc Epinephrine để sẵn sàng sử dụng nếu dị ứng nặng gây sốc phản vệ.
- Cải thiện miễn dịch cơ thể: Tăng cường đề kháng cơ thể với chế độ ăn lành mạnh, đủ chất, tăng cường trái cây và rau xanh, uống đủ nước. Ngoài ra mọi người không nên nhịn ăn, hút thuốc lá, uống rượu bia trước khi gây tê.
Bài viết trên đây đã mang đến cho mọi người những thông tin hữu ích về tình trạng dị ứng thuốc tê, cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả, đảm bảo an toàn cho cơ thể. Nếu có nhu cầu điều trị các bệnh lý dị ứng ngoài da liên hệ ngay với Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Maia&Maia qua hotline 032.845.1188



TƯ VẤN 24/7 HOTLINE: 032.845.1188
Mọi thông tin của khách hàng đều được bảo mật
Phòng khám chuyên khoa Da liễu Maia&Maia:
- Facebook: Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Maia&Maia
- Hotline: 18004888 và 032.845.1188
- Cơ sở 1: Số 11 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội
- Cơ sở 2: Số 197 Lê Thánh Tông, Võ Cường, Bắc Ninh
- Cơ sở 3: Số 24 Nguyễn Khuyến, Hà Đông, Hà Nội