Mụn trứng cá là một tình trạng phổ biến. Khi bị mụn làm phiền, nhiều chị em lựa chọn cách lấy nhân mụn để giảm nhanh tình trạng này. Tuy nhiên, việc chăm sóc da sau nặn mụn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa thâm, sẹo mà không phải chị em nào cũng biết. Bài viết dưới đây, phòng khám chuyên khoa da liễu Maia&Maia sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc da mặt sau khi nặn mụn để tránh gặp phải những trường hợp trên.
1. Nguyên tắc chăm sóc da sau nặn mụn đúng cách
Làn da sau khi nặn mụn sẽ trở nên vô cùng nhạy cảm, những tác động thông thường cũng có thể làm da bị tổn thương sau khi nặn mụn. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc da, nhất là khi vừa nặn mụn xong, bạn cần chú ý ghi nhớ những quy tắc sau:
1.1. Làm dịu làn da
Sau khi nặn mụn, da sẽ có biểu hiện viêm nhiễm, tấy đỏ các nốt mụn nên việc làm dịu da là điều đầu tiên bạn cần làm. Khi vừa lấy nhân mụn ra, bạn nên rửa mặt nhẹ nhàng với nước sạch, sau đó dùng bông tẩy trang thấm khô. Để làm dịu da, giảm tình trạng sưng tấy, bạn hãy đắp mặt nạ có tính chất làm mát và giúp se khít lỗ chân lông. Chú ý chọn các loại mặt nạ lành tính có nguồn gốc từ thiên nhiên như nha đam, nghệ và mật ong, dưa leo,… Bạn không nên sử dụng ngay các sản phẩm chứa nhiều hóa chất hay mặt nạ giấy sau khi nặn mụn vì có thể gây kích ứng cho da.
1.2. Ngăn sẹo hình thành
Sau bước làm dịu da, ngăn ngừa hình thành sẹo tại nhà là nguyên tắc tiếp theo bạn cần chú ý. Sau khi nặn mụn vài ngày, khi mụn đã se và khô lại, bạn nên sử dụng các sản phẩm ngăn ngừa thâm và sẹo tại vị trí nặn mụn. Bạn có thể lựa chọn những sản phẩm thiên nhiên sẵn có, dễ sử dụng như:
- Mật ong: dùng sau khi nặn mụn có tác dụng kháng khuẩn cũng như làm lành vết thương do nặn mụn;
- Nha đam: đóng vai trò như một loại gel làm mát giúp giảm mẩn đỏ, giảm sưng tấy, làm mềm và nhanh lành vết thương;
- Nghệ: nghệ luôn được biết đến là nguyên liệu có khả năng kháng viêm, liền sẹo và tái tạo da cực tốt nhờ thành phần curcumin. Ngoài ra, nghệ còn chứa hàm lượng lớn vitamin E và D giúp làm sáng và đều màu da.
Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để sử dụng các loại kem đặc trị vết thâm và sẹo. Sau khi nặn mụn vài ngày, trên nốt mụn sẽ xuất hiện vảy. Bạn chú ý không được cạy lớp vảy này vì sẽ làm da mất đi lớp bảo vệ, da dễ bị nhiễm trùng khiến vết sẹo lâu lành và tình trạng sẹo nghiêm trọng hơn.
1.3. Bảo vệ da
Sau khi nặn mụn, việc bảo vệ da trước tác động của ánh nắng mặt trời và môi trường bên ngoài lại càng quan trọng. Để hạn chế những tác hại này, bạn có thể dùng miếng dán mụn để đắp sau khi nặn mụn. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn và bụi bẩn xâm nhập vào mụn.
Nếu bạn lột nhiều mụn cùng lúc mà không thể dùng miếng dán mụn để che thì có thể thay thế bằng cách đeo khẩu trang, đeo kính để chống bụi khi ra ngoài.
1.4. Uống đủ nước, ngủ đủ giấc
Để vết thương nhanh lành, ngoài việc trực tiếp chăm sóc da mặt, bạn cũng cần đảm bảo lối sống khoa học, lành mạnh như ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, uống đủ nước. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho da mau lành mà còn cải thiện sức khỏe, hạn chế mụn tái phát. Bạn cần tránh ăn đồ cay nóng, chất kích thích, căng thẳng hay thức khuya.
2. Các bước chăm sóc da cần thiết trong tuần đầu tiên sau nặn mụn
2.1. Ngày đầu tiên sau khi nặn mụn
Không sờ tay trực tiếp lên da
Việc nặn mụn sẽ gây chảy máu và để lại vết thương hở trên da. Vì vậy điều quan trọng là phải giữ cho khu vực này sạch sẽ. Vì tay chúng ta thường chứa nhiều bụi bẩn và vi khuẩn, việc chạm vào vùng da bị thương sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Dùng tay sờ lên mặt cũng sẽ khiến vết thương lâu lành hơn và dễ để lại sẹo.
Bạn cũng cần chú ý không để tóc, chăn, gối chạm vào mặt sau khi nặn mụn để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Bạn cũng cần nhớ che chắn cẩn thận, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng hay khói bụi khi ra ngoài.
Một số phụ nữ có thể bị chảy máu nhiều sau khi nặn mụn. Dùng khăn sạch hoặc khăn giấy hoặc ấn nhẹ lên mặt cho đến khi máu ngừng chảy.
Rửa mặt nhẹ nhàng
Da sau khi nặn mụn sẽ cực kỳ nhạy cảm. Do đó, khi rửa mặt, bạn cần nhớ chỉ massage nhẹ nhàng cũng như ưu tiên chọn những loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, lành tính và có tác dụng phục hồi hoặc cấp ẩm cho da trong thời gian này.
Ngừng sử dụng toner hoặc nước hoa hồng
Các chuyên gia da liễu khuyên rằng trong 1-2 ngày sau khi nặn mụn bạn nên tạm ngừng sử dụng nước hoa hồng. Những sản phẩm này thường chứa cồn hoặc các thành phần tẩy trắng, có thể dẫn đến kích ứng hoặc khô da.
Không trang điểm quá dày
Sau khi nặn mụn, làn da của bạn cần được nghỉ ngơi và phục hồi, do đó, việc trang điểm quá nhiều sẽ gây bít tắc lỗ chân lông và khiến mụn quay trở lại. Ngoài ra, sử dụng nhiều loại mỹ phẩm trên vùng da có vết thương hở do nặn mụn sẽ khiến da dễ bị kích ứng, làm nặng thêm tình trạng sưng, viêm và thâm, sẹo.
Hạn chế massage mặt hay xông hơi
Da bạn ở thời điểm ngày đầu sau mụn này rất nhạy cảm nên cần tránh các hoạt động trên vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến da. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý tập thể dục điều độ, đồng thời chuẩn bị khăn sạch để thấm hút và hạn chế mồ hôi trên mặt.
2.2. Ngày 2 – 3 sau khi nặn mụn
Không nên tẩy tế bào chết
Không nên tẩy tế bào chết sau khi nặn mụn 2-3 ngày vì sẽ khiến lớp màng bảo vệ của da bị bào mòn. Lúc này, làn da của bạn rất nhạy cảm nên chỉ ưu tiên những động tác nhẹ nhàng. Việc tẩy tế bào chết sẽ càng khiến da bị kích ứng hơn, khiến mụn khó lành và thậm chí còn mọc thêm mụn mới.
Giữ ẩm cho da
Trong những ngày đầu sau khi nặn, dưỡng ẩm cho da là điều bắt buộc trong skincare routine của bạn để da có đủ độ ẩm, giúp vết thương mau lành và hạn chế thâm, sẹo. Bạn cần chú ý chọn những loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ và đơn giản, có thể tạm ngưng các loại kem chống lão hóa trong giai đoạn này.
Tránh ánh nắng mặt trời
Bạn phải hạn chế các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì vùng da bị tổn thương sau khi nặn mụn của bạn sẽ nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, từ đó da dễ bị tổn thương hơn. Bạn nên che chắn cẩn thận bằng khẩu trang, kính râm và bôi kem chống nắng nếu phải ra ngoài. Sử dụng kem chống nắng có SPF 30 trở lên khi ra ngoài.
2.3. Sau khi nặn mụn 4 – 7 ngày
Tạm ngưng các phương pháp điều trị da khác
Trong tuần đầu tiên sau khi nặn mụn, bạn nên tạm ngừng thực hiện các phương pháp điều trị can thiệp khác trên da như laser, triệt lông… Việc tạm dừng này để da có thời gian phục hồi, làm lành vết thương và khỏe mạnh hơn. Cố gắng thực hiện các phương pháp điều trị khắc nghiệt trên làn da nhạy cảm sẽ không những không đạt được hiệu quả mong muốn mà còn có nguy cơ gây hại cho da.
Nặn mụn là phương pháp điều trị da ngày càng phổ biến đối với nhiều chị em khi bị mụn. Tuy nhiên, bạn cần chú ý đảm bảo các bước chăm sóc da sau khi nặn mụn đúng cách để hạn chế di chứng thâm và sẹo.
Những bài viết được nhiều người quan tâm
Phòng khám chuyên khoa Da liễu Maia & Maia:
- Facebook: Phòng khám Da liễu Maia & Maia
- Hotline: 18004888 và 032.845.1188
- Hà Nội: 21 & 11 Hoàng Cầu, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội.
- Bắc Ninh: 197 Lê Thánh Tông, Võ Cường, Bắc Ninh.