Sự mất cân bằng nội tiết có thể là một trong những lý do chính cho việc rụng tóc. Nếu bạn bị rụng tóc trong một thời gian dài thì nên suy xét tới nguyên nhân rụng tóc do nội tiết. Trong bài viết này, hãy cùng Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Maia&Maia tìm hiểu những yếu tố nội tiết gây ảnh hưởng tới tóc và cách để kiểm soát tình trạng rụng tóc nội tiết.
I. Các nội tiết tố có thể ảnh hưởng tới tóc như thế nào?
Rụng tóc do nội tiết chủ yếu là do các nội tiết tố gây ảnh hưởng tới các nang tóc. Nang tóc là bộ phận chịu trách nhiệm duy trì sự sống của sợi tóc. Một khi các nang tóc bị tổn thương hoặc kìm hãm sự phát triển thì chu kỳ phát triển của tóc dễ bị rối loạn, dẫn tới rụng tóc sớm hoặc khó mọc lên tóc mới.
Tùy theo các giai đoạn khác nhau của cơ thể mà có sự tăng giảm các hormone liên quan. Do vậy, tất cả các lứa tuổi đều có thể bị rụng tóc do nội tiết tố thay đổi. Tùy từng nguyên nhân cụ thể mà tình trạng rụng tóc có thể khắc phục hoặc theo bạn đi suốt cuộc đời.
Rụng tóc mảng ở thanh thiếu niên do rối loạn nội tiết tuổi dậy thì, rụng tóc hói đầu do nội tiết tố nam ảnh hưởng, rụng tóc sau sinh, rụng tóc tiền mãn kinh, rụng tóc do rối loạn tuyến giáp đều là những nguy cơ bạn có thể gặp phải khi mất cân bằng nội tiết.
II. Những nội tiết tố ảnh hưởng tới việc rụng tóc
Nội tiết tố, hay các hormone có vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng trao đổi chất của cơ thể. Sự bất cân bằng trong nồng độ của chúng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng cơ thể mà nội tiết tố đó đang kiểm soát. Đối với tóc, một số nội tiết tố có thể ảnh hưởng tới trình trạng phát triển của chúng bao gồm:
Androgen
Rụng tóc kiểu hói nam, rụng tóc kiểu hói nữ là hậu quả trực tiếp của việc hoạt động quá mức của các androgen. Vậy Androgen là gì? Androgen là một nhóm các nội tiết tố sinh dục nam bao gồm: testosterone,androstenedione, DHEA. Đây là nhóm các hormone quyết định đặc điểm giới tính nam như cơ bắp, lông tóc và cơ quan sinh dục. Thông thường nội tiết tố này có ở cả nam và nữ nhưng hàm lượng ở nam cao hơn. Phụ nữ thường có nội tiết tố androgen khá thấp. Tuy nhiên chúng đều có thể ảnh hưởng tới rụng tóc do nội tiết ở nam và nữ.
Sự hoạt động quá mức của hormone androgen DHT có thể làm các nang tóc bị co lại, dẫn tới sợi tóc yếu và rụng dần. Đây là kiểu rụng tóc nội tiết phổ biến nhất, thường xuất hiện ở nam giới tuổi trung niên hoặc tiền mãn kinh ở nữ giới. Ở nam giới sẽ xuất hiện tình trạng hói trước trán hoặc từ trên đỉnh đầu. Ở nữ thì phổ biến với dạng rụng tóc lan tỏa khắp đầu và thưa tóc ở khu vực đỉnh.
Estrogen và Progesterone
Hai hormone sinh dục nữ này đều có thể ảnh hưởng tích cực tới mái tóc của phụ nữ. Sự suy giảm loại nội tiết tố này trong thời kỳ mang thai hoặc mãn kinh đều có thể dẫn tới rụng tóc. Mặt khác,khi lượng hormone sinh dục nữ giảm xuống do tuổi tác, androgen bắt đầu ảnh hưởng tới các vấn đề của cơ thể, trong đó có việc tăng hoạt động của DHT dẫn tới rụng tóc. Do vậy, cần có những biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị khi đứng trước những giai đoạn thay đổi lớn của cơ thể.
Prolactin
Đây là hormone được tiết ra nhiều trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt động này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của tóc và dẫn tới rụng tóc. Nồng độ prolactin nếu không được kiểm soát ổn định có thể dẫn tới rụng tóc nhiều hơn. Đây cũng là tác nhân gây rụng tóc do nội tiết đứng đầu.
Các hormone tuyến giáp
Tuyến giáp giữ vai trò điều hòa sự trao đổi chất của toàn bộ cơ thể thông qua các hormone của nó. Do vậy, bất cứ sự bất ổn nào trong hoạt động của tuyến giáp đều có thể ảnh hưởng tới mái tóc của bạn. Rụng tóc do hormone tuyến giáp thường có biểu hiện đặc trưng là rụng tóc rừng thưa, rụng đều trên toàn bộ da đầu, dẫn tới thưa và mỏng tóc. Những người cao tuổi cũng thường gặp tình trạng rụng tóc này, một phần là do sự gián đoạn trọng hoạt động của tuyến giáp.
Melatonin
Hormone Melatonin được tìm thấy nhiều trong các nang lông. Vai trờ của nó là bảo vệ nang lông, nang tóc khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Nhờ đó nang tóc tránh được các tác nhân gây hại từ bên trong và bên ngoài. Melatonin cũng điều chỉnh hoạt động của các nội tiết tố khác như estrogen và prolactin. Do vậy, sự tăng hay giảm nội tiết tố này đều có thể ảnh hưởng tới tình trạng rụng tóc của mỗi người.
III. Cách điều trị rụng tóc do nội tiết
Nếu bạn bị rụng tóc bất thường mà không thấy sự cải thiện theo thời gian thì có thể bạn đã bị rụng tóc do mất cân bằng nội tiết. Vậy nên làm gì khi bị rụng tóc?
1. Tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây rụng tóc
Bạn nên tới gặp bác sĩ để kiểm tra nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc của bạn. Bác sĩ sẽ có các bước kiểm tra lâm sàng hoặc xét nghiệm nếu cần thiết. Sau khi đã xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ đề xuất các loại thuốc hoặc liệu pháp phù hợp để kiểm soát chứng rụng tóc do nội tiết.
2. Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rụng tóc. Kiểm soát căng thẳng có thể khá khó khăn với một số người. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu bằng cách thực hiện các phương pháp thiền, yoga, hoặc các bài tập kiểm soát hơi thở.
3. Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Khi bạn gặp bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe thì việc duy trì lối sống cân bằng luôn là điều cần thiết. Bệnh rụng tóc cũng tương tự. Không chỉ ăn uống đủ chất dinh dưỡng mà bạn cũng cần ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ cũng có thể làm xáo trộn các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, hoặc làm tình trạng căng thẳng nghiêm trọng hơn. Do vậy, để tránh tình trạng rụng tóc nội tiết tiến triển nhanh, bạn có thể hỏi ý kiến của bác sĩ về chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho hợp lý.
4. Hạn chế sử dụng hóa chất và máy tạo kiểu tóc
Nếu đang gặp tình trạng rụng tóc, tốt nhất bạn nên hạn chế sử dụng các thiết bị tạo kiểu có sử dụng nhiệt và tránh các hóa chất gây hư tổn tóc. Cắt tóc ngắn cũng là một phương pháp hạn để hạn chế tình trạng rụng tóc.
5. Sử dụng công nghệ cao để khắc phục chứng rụng tóc
Các liệu pháp hỗ trợ điều trị rụng tóc hiện đại là các lựa chọn mới trong điều trị rụng tóc, rất có tiềm năng thay thế cho các loại thuốc điều trị rụng tóc truyền thống. Bạn có thể tham khảo các phương pháp này dưới sự tư vấn của bác sĩ. Một số phương pháp nổi bật và được đánh giá là có khả năng đẩy lùi tình trạng rụng tóc do nội tiết gồm:
- Phương pháp Mesotherapy, đưa tinh chất vào nang tóc để thúc đẩy tóc mọc lại
- Chiếu ánh sáng laser cường độ thấp để kích thích mọc tóc
Rụng tóc do nội tiết có thể hồi phục được trong hầu hết các trường hợp. Tỷ lệ phục hồi sẽ phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân rụng tóc và tuổi tác. Do vậy, chẩn đoán sớm về sự mất cân bằng nội tiết tố sẽ giúp bạn giảm được các biến chứng về sức khỏe cũng như rụng tóc do nội tiết trong tương lai.
Phòng khám chuyên khoa Da liễu Maia & Maia:
- Facebook: Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Maia&Maia
- Hotline: 18004888 và 032.845.1188
- Hà Nội: 21&11 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội.
- Bắc Ninh: 197 Lê Thánh Tông, Võ Cường, Bắc Ninh.