fbpx

Dày sừng nang lông là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Theo dõi Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Maia&Maia
Dày sừng nang lông

Dày sừng nang lông là tình trạng da liễu nhiều người gặp phải. Đây là một vấn đề về da khá phổ biến, tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nó có thể khiến làn da trở nên khó coi, ngứa và thô ráp. Hãy cùng phòng khám Maia&Maia tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh dày sừng nang lông và cách khắc phục hiện tượng này.

1. Dày sừng nang lông là gì? Dấu hiệu khi bị dày sừng nang lông

Bệnh dày sừng nang lông có thể phát triển ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên trẻ em và thanh thiếu niên là hai lứa tuổi dễ mắc bệnh nhất. Bệnh có xu hướng thuyên giảm theo tuổi và có xu hướng nặng hơn vào mùa đông khi độ ẩm thấp.

Một dấu hiệu cho thấy một người bị dày sừng nang lông là sự phát triển của các tổn thương ở nang lông. Chúng nhô ra khỏi bề mặt da, khi sờ vào có cảm giác thô và ráp. Những vùng dễ bị dày sừng nang lông nhất: mông, đùi, cánh tay và cả má ở trẻ em. Các dấu hiệu nhận biết dày sừng nang lông cụ thể như:

  • Nổi mụn sần màu nâu hoặc đỏ, nhìn giống như phát ban hoặc mụn nhọt trên da
  • Da khô ráp như giấy nhám
  • Không thấy đau khi chạm vào
  • Cảm thấy ngứa thường xuyên

Đọc thêm: Phân biệt viêm nang lông và mụn trứng cá để điều trị hiệu quả

2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh dày sừng nang lông

Dày sừng nang lông là do keratin trên da bị tích tụ. Đây là một loại protein trong lông và tóc có tác dụng bảo vệ da khỏi nhiễm trùng và các chất độc hại. Khi chất sừng tích tụ, nó có thể tạo thành một nút bịt kín tế bào chết và dẫn đến các nang lông bị tắc nghẽn. Ở những người bị dày sừng nang lông, da sẽ trở nên thô ráp vì có nhiều nút tế bào.

Dày sừng nang lông
Dày sừng nang lông là do keratin trên da bị tích tụ

Tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến chất sừng tích tụ dưới da và gây ra hiện tượng sừng hóa nang lông. Nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh dày sừng nang lông:

  • Di truyền: Những người thân trong gia đình từng mắc bệnh này.
  • Da khô
  • Hen suyễn
  • Béo phì
  • Viêm da cơ địa (chàm)
  • Không vệ sinh da sạch sẽ
  • Sốt cỏ khô

3. Cách điều trị dày sừng nang lông

Về cơ bản, bệnh dày sừng nang lông không gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh nhưng gây mất thẩm mỹ. Căn bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu da khô, ngứa, kém thẩm mỹ thì người bệnh có thể cải thiện bằng các phương pháp sau:

Tẩy tế bào chết định kỳ

Tẩy tế bào chết khoảng 1 lần/tuần sẽ giúp da bớt thô ráp, sần sùi. Bạn có thể lựa chọn các phương pháp tẩy da chết như:

  • Biện pháp cơ học: Dùng đá cuội chà nhẹ lên bề mặt da (chú ý chọn loại đá có bề mặt nhẵn và làm sạch trước khi sử dụng), hoặc xơ mướp, dụng cụ tẩy tế bào chết chuyên dụng,…
  • Lựa chọn thứ hai là tẩy tế bào chết bằng các sản phẩm tự nhiên: bột đậu đỏ, muối tắm,…
  • Sử dụng các sản phẩm có chứa axit salicylic, axit alpha hydroxy, axit lactic… để tẩy tế bào chết một cách an toàn và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, axit có thể làm kích ứng, châm chích hoặc mẩn đỏ. Vì vậy, những người có làn da nhạy cảm, đặc biệt là trẻ em không nên sử dụng sản phẩm này.

Dưỡng ẩm cho da

Ngoài tẩy tế bào chết, bạn cũng cần chú trọng đến việc dưỡng ẩm cho da. Vì bệnh dày sừng nang lông có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn có làn da quá khô. Kem dưỡng ẩm có thể làm mềm các nốt sần, giúp da giữ ẩm và giảm ngứa nhanh chóng.

Hầu hết các loại kem dưỡng ẩm có chứa urê hiện nay thường được sử dụng để điều trị bệnh dày sừng nang lông. Nên thoa kem ngày 1-2 lần lên vùng da bị sừng hóa, nhất là sau khi tắm, vì da còn ẩm, lỗ chân lông nở to nên dễ hấp thụ các thành phần trong kem.

Đọc thêm: Điều trị bệnh viêm nang lông thế nào? Phương pháp nào hiệu quả nhất?

Dùng thuốc bôi

Để giảm sự tích tụ keratin và các nang lông bị tắc, bạn có thể thoa kem có chứa vitamin A, chẳng hạn như retinoid. Nếu da bị viêm, tấy đỏ, sần sùi thì bạn có thể sử dụng thuốc chứa corticoid.

Dày sừng nang lông
Có thể thoa kem có chứa vitamin A, chẳng hạn như retinoid

Tuy nhiên, những loại thuốc này cần được sử dụng trong thời gian ngắn theo chỉ định của bác sĩ. Vì chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ như làm khô da và gây kích ứng. Đặc biệt phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú hoặc dự định có thai không nên sử dụng.

Điều trị dày sừng nang lông bằng laser

Trong trường hợp bệnh nghiêm trọng không cải thiện sau khi điều trị bằng kem bôi và kem dưỡng ẩm, bệnh nhân nên điều trị bằng laser. Laser là một cách giúp cải thiện kết cấu da, giảm viêm và tấy đỏ.

Điều trị bệnh dày sừng nang lông đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian. Việc chữa khỏi bệnh chỉ mang tính chất tạm thời vì bệnh không khỏi hoàn toàn nên bạn cần điều trị duy trì để cải thiện tình trạng bệnh.

4. Các lưu ý chăm sóc da tại nhà

Một số phương pháp sau đây sẽ giúp bạn hạn chế biểu hiện khó chịu và nguy cơ tái phát bệnh dày sừng nang lông:

  • Tránh tắm nước quá nóng. Thay vào đó, nước tắm nên để ở nhiệt độ ấm, vừa phải và mát.
  • Hạn chế tắm quá lâu (không nên quá 20 phút) để tránh khô da.
  • Tẩy tế bào chết đúng cách và dưỡng ẩm cho da thường xuyên.
  • Nên dùng sữa tắm hoặc xà phòng có nguồn gốc tự nhiên, không gây kích ứng, nhất là đối với da nhạy cảm.
  • Khi tắm, không nên để da bị chà xát mạnh. Điều này có thể làm cho quá trình sừng hóa của nang lông trở nên trầm trọng hơn.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái. Không mặc quần áo bó sát gây ma sát nhiều vào da gây trầy xước.
  • Khi ra ngoài cần bảo vệ da cẩn thận, tránh ánh nắng trực tiếp.

Trên đây là một số chia sẻ của các chuyên gia tại phòng khám da liễu Maia&Maia về dày sừng nang lông. Nhìn chung, đây là một căn bệnh không nguy hiểm nhưng nó có thể gây ra một số phiền toái trong cuộc sống hàng ngày, khiến người bệnh tự ti về làn da. Để được chẩn đoán về các bệnh da liễu, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số hotline 1800 4888.

Những bài viết được nhiều người quan tâm

Phòng khám chuyên khoa Da liễu Maia & Maia:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *